Pay Yourself First – Cảm hứng từ việc làm ông chủ của chính mình

Pay Yourself First – Tư duy tự trả cho mình trước tiên là một tư duy không mới trong quản lý tài chính, nhưng lại ít ai thực sự áp dụng. Theo một cuộc khảo sát năm 2021 của The Balance – một trang thông tin uy tín về tài chính, hầu hết người Mỹ còn lại ít hơn 250 đô la mỗi tháng sau khi tính toán các chi phí cần thiết. Tại Việt Nam, chưa có con số khảo sát chính xác về số người xây dựng được hành vi tiết kiệm/ đầu tư đều đặn mỗi tháng.

Thế nhưng, đại dịch vừa rồi đã hé lộ rất nhiều về vấn đề quản lý tài chính của người Việt. Không ít người phải đối mặt với khủng hoảng vì công ty cắt giảm nhân sự, không ít người phải về quê vì không đủ khả năng duy trì cuộc sống tại các thành phố,… Rất nhiều tháng năm làm việc trước đó, họ không có hành vi tích luỹ để chuẩn bị cho những tình huống xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Vậy, chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tự coi bản thân là “ông chủ” của chính mình? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như mỗi tháng, chúng ta đều tự dành riêng một khoản tiền phù hợp để tự trả cho bản thân? Trong bài viết này, FinPeace muốn giới thiệu đến bạn tư duy tài chính “Pay Yourself First” – PYF (Tư duy tự trả cho mình trước tiên).

Tư duy “Pay Yourself First” là gì?

PYF là ngay khi nhận lương, bạn tự động trích một khoản phù hợp cho bản thân để tiết kiệm/ đầu tư, sau đó phân bổ phần còn lại cho các khoản chi tiêu khác.

Đây là một lối tư duy mang tính tự chủ rất cao. Thay vì ép bản thân ‘phải’ tiết kiệm, phải cắt giảm chi tiêu, bạn chủ động và tự hào dành riêng một khoản tiền cho chính mình, bạn cảm ơn công sức lao động và sự cố gắng của bản thân trong cả tháng qua.

Áp dụng PYF bằng việc trả lương cho chính mình đầu tiên trước khi phân bổ nguồn thu cho các khoản chi khác
Áp dụng PYF bằng việc trả lương cho chính mình đầu tiên trước khi phân bổ nguồn thu cho các khoản chi khác

 

Khi áp dụng được tư duy này, bạn sẽ dần tích lũy được một khối tài sản đáng kể theo thời gian. Ban đầu “mức lương” bạn tự trả cho bản thân có thể chưa nhiều, có thể chỉ 500 nghìn hoặc 1 triệu mỗi tháng, nhưng bạn đã bắt đầu những bước đầu tiên trên hành trình xây dựng sự vững vàng tài chính.

Tư duy Pay Yourself First tạo những sự thay đổi nào?

Giống như việc bạn tập Gym hay áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, tiết kiệm hàng tháng là việc bạn luôn nghĩ bạn nên làm, nhưng vì nhiều lý do khách quan, chủ quan mà bạn vẫn không thể làm đều đặn và hiệu quả. Tại sao lại như vậy và tư duy PYF sẽ đem đến sự thay đổi nào?

Khoản chi phí hàng tháng của bạn được chia làm 2 khoản sau đây:

  • Chi phí bắt buộc: Những khoản chi bạn không thể không thanh toán như tiền điện nước, tiền nhà, tiền đi lại tối thiểu…
  • Chi phí tự do: Những khoản chi có thể điều chỉnh như ăn uống, mua sắm, giải trí,…

Hãy cùng FinPeace hình dung hai viễn cảnh sau đây:

Viễn cảnh 1: Bạn chưa bao giờ tự trả tiền cho bản thân:

Hành vi thường gặp là bạn sẽ chi tiêu mua sắm hết, sau đó nếu còn tiền thì mới tiết kiệm. Như vậy, bạn đang để khoản tiền tự trả cho bản thân vào Chi phí tự do – khoản chi phí bị phụ thuộc bởi nhiều yếu tố và luôn thay đổi.

Với tư duy này, việc “tự trả tiền cho bản thân” là yếu tố bị xếp sau cùng. Nếu còn tiền thì bạn trả, còn không thì bạn “bùng”. Những khoản chi tiêu mua sắm hàng tháng cứ nối tiếp nhau. Khoản tiền còn dư vào cuối mỗi tháng thường không đủ cho mục tiêu tiết kiệm của bạn. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy tội lỗi vì thiếu ý chí kiểm soát tài chính và tự hứa sẽ làm tốt hơn vào tháng sau, nhưng điều đó thường không xảy ra, chu trình trên lại lặp lại tháng này qua tháng khác.

Viễn cảnh 2: Bạn ưu tiên bản thân mình bằng việc “Pay yourself first”

Ở viễn cảnh này, bạn coi mình như người chủ doanh nghiệp, khoản lương bạn phải trả cho bản thân hàng tháng là một khoản chi phí bắt buộc của công ty. Khi ưu tiên việc tự trả lương cho bản thân để tiết kiệm/ đầu tư, bạn đang tự nói với mình rằng, bạn xứng đáng nhận được số tiền này vì sự chăm chỉ, nỗ lực trong cả tháng qua, bạn đang có sự chuẩn bị tốt cho tương lai của mình. Mặc dù tiền có thể không mua được hạnh phúc, nó có thể mang đến sự bình yên cho tâm hồn bạn vì nó có khả năng giúp bạn ứng phó với nghịch cảnh tốt hơn.

Ở viễn cảnh số 2, tư duy PYF sẽ mang đến những tác động như sau:

  • Về mặt cảm xúc: Thay vì cảm thấy tội lỗi vì mãi không tiết kiệm được, bạn học cách trân trọng và cảm ơn những nỗ lực của chính mình bằng cách tự trả lương cho bản thân.
  • Về mặt tài chính: Trong ngắn hạn, bạn sẽ học được cách phân bổ chi tiêu sau khi bạn đã trích ngay một khoản tiết kiệm. Về dài hạn, các khoản tiết kiệm/ đầu tư dần tích luỹ lại để cho bạn sự vững vàng về tài chính. Điều may mắn là một khi bạn đã hình thành một thói quen, bạn sẽ có xu hướng gắn bó với nó. Tâm trí con người sẽ luôn khao khát sự tổ chức và có kỷ luật, khi bạn đã bắt đầu tiết kiệm hàng tháng và tuân thủ thói quen đó, bạn sẽ rất ít khi bị chệch hướng.

Vậy, bạn muốn lựa chọn viễn cảnh nào?

3 gợi ý từ chuyên gia Finpeace để bạn bắt đầu áp dụng PYF

Việc áp dụng PYF trở nên thật đơn giản với 3 gợi ý trừ chuyên gia FinPeace trên đây!
Việc áp dụng PYF trở nên thật đơn giản với 3 gợi ý trừ chuyên gia FinPeace trên đây!

Điều kiện đủ: Thu nhập lớn hơn chi phí tối thiểu và giải quyết các khoản nợ trước khi PYF

Nếu như thu nhập mỗi tháng của bạn không đủ để chi trả cho chi phí tối thiểu thì bạn chắc chắn không thể áp dụng phương pháp PYF. Lúc này, mục tiêu của bạn không phải là tiết kiệm, mà là có thu nhập đủ để duy trì cuộc sống tối thiểu. Cùng lúc, bạn có thể học cách cân đối chi tiêu để thoát khỏi tình trạng bị thâm hụt ngân sách.

Đồng thời, theo quan điểm của các chuyên gia FinPeace, bạn nên giải quyết các khoản nợ của mình càng sớm càng tốt. Nếu như bạn đang nợ thẻ tín dụng hoặc các khoản vay cá nhân, hãy thận trọng và sớm kiểm soát nó, trước khi bạn bắt đầu cam kết tiết kiệm hàng tháng. Thanh toán các khoản nợ sẽ đem đến cho bạn cảm giác tự do, nhẹ nhõm, chưa kể đến những khoản lãi mà bạn phải chịu nếu như vẫn còn bị “đeo gông” bởi các khoản nợ.

Xem thêm: Tư duy Tài chính tự thân – Làm chủ tài chính cá nhân bằng 3 trụ cột quan trọng

Xác định một con số PYF phù hợp và mục tiêu cho khoản PYF đó

Có rất nhiều phương pháp giúp bạn xác định được mức “lương” phù hợp mà bạn muốn trả cho chính mình. Phương pháp 50/30/20 (50% cho nhu cầu thiết yếu, 20% cho mục tiêu tài chính và 30% cho nhu cầu cá nhân) là một ví dụ. Tuy nhiên, không có phương pháp nào là đúng và tối ưu cho tất cả mọi người, các bạn chỉ cần xác định một khoản PYF phù hợp với bức tranh toàn cảnh cuộc sống của mình.

Bên cách đó, việc lập mục tiêu cụ thể cho khoản PYF cũng cần được lên kế hoạch rõ ràng. Khoản tiết kiệm đó có thể được phân bổ vào các quỹ khác nhau như:

  • Quỹ dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp
  • Quỹ hưu trí, bảo hiểm nhân thọ
  • Quỹ để dành cho việc mua nhà hoặc mua xe
  • Đầu tư sinh lời vào thị trường: Tiền ảo, chứng khoán, bất động sản,..

Luôn nhớ rằng, bạn phải “tự tăng lương” cho chính mình.

Khi đi làm, ai cũng muốn được tăng lương. Giờ đây, khi đã làm “ông chủ” trả lương cho chính mình, bạn cũng cần có tư duy “tăng lương” cho chính mình. Mức lương bạn trả cho bạn tại thời điểm một năm nữa, chắc chắn nên cao hơn mức hiện tại. Với tư duy này, bạn sẽ luôn cố gắng gia tăng giá trị bản thân bằng việc phát triển kỹ năng, đa dạng hoá nguồn thu nhập.

Hãy bắt đầu từ những con số nhỏ

Nếu như bạn chưa từng tự trả lương cho chính mình, hãy thử nghiệm ngay khi nhận được khoản lương tháng này. Điều quan trọng không phải bạn tiết kiệm được bao nhiêu, mà quan trọng là bạn bắt đầu hành động và bạn có ý thức rằng bạn đang Pay Yourself First và là “ông chủ của chính mình”. Bạn có thể bắt đầu từ 1-2 triệu, hoặc thậm chí là 500 nghìn. Ở FinPeace, chúng tôi luôn tin tưởng vào giá trị của những hành động nhỏ, nhưng đều đặn và kiên định hàng tháng. Chúc bạn thật tận hưởng hành trình làm chủ tài chính cá nhân của mình.

Share to Facebook Share to Twitter Share to Linkedin

Bình luận